Làm Sao Để Bé Bò Nhanh Hơn?



Bé yêu nhà bạn đang trong giai đoạn tập bò?  Bạn đang băn khoăn rằng làm sao để bé có thể biết bò nhanh hơn và thực sự hiệu quả?. Thật đơn giản khi đến với bài tập vận động của Glenn Doman cho giai đoạn này của bé.

Ở giai đoạn này bé có đã có thể nhận biết khá nhiều điều về thế giới xung quanh cũng như có động lực để di chuyển xung quanh nhiều hơn khi nhìn thấy một vật gì đó gây thích thú, hoặc nhìn thấy một vài người xung quanh mình, bởi bé đã trườn được- nghĩa là di chuyển được. Tuy nhiên bé di chuyển rất chậm chạp và khó khăn trong một phạm vi nhỏ hẹp. Bé sẽ cố rướn người di chuyển để có thể tiến tới mục tiêu cần đạt của mình, cầm, nắm lấy mục tiêu đó nhưng chỉ là nắm hờ chứ chưa chắc chắn.

Hãy Tạo nhiều cơ hội để bé tập bò, giúp tay, chân bé cứng cáp hơn

Với các hoạt động của Glenn Doman, sẽ giúp bé không chỉ biết bò nhanh hơn, mà còn giúp cho tay, chân bé hoạt động chắc chắn hơn, linh hoạt hơn. Nó sẽ kích thích giác quan, hình thành và củng cố chúng, cung cấp cho bé nhiều cơ hội được “ lăn xả” với không gian để di chuyển trong một phạm vi rộng.
 
Để nâng người lên được, bé cần tới sự nâng đỡ của đôi bàn tay và đầu gối, và dần dần sau đó, từ chỗ nâng người lên được, bé sẽ phát triển thành dạng bò chéo hoàn thiện. Khả năng này chỉ có thể có được khi bé đã thành thạo việc tập trườn và giữ thăng bằng trong không gian.
Trong giai đoạn tập trườn, mục tiêu lâu bền và dài hạn cho bé là khoảng 45 mét mỗi ngày, nhưng đa số các bé chỉ trườn trong khoảng 30 mét mỗi ngày. Cũng có trường hợp, bé trườn được hơn 30 mét nhưng vẫn không tự mình nâng người lên được, điều này có thể do một vài lý do về thể chất của bé cũng như các tác động khách quan bên ngoài. Bạn hãy động viên, khích lệ bé thật nhiều, để bé tiếp xúc với sàn nhiều nhất có thể và nhất định tới một thời điểm không xa, bạn sẽ nhìn thấy sự “ trưởng thành” của bé trong từng sự di chuyển bằng “ bốn chân”.

Mục tiêu: Hình thành, phát huy khả năng bò chéo bằng tay và đầu gối cho bé.

Mục đích: Tạo nhiều cơ hội để bé tập bò, giúp tay, chân bé cứng cáp hơn.

Tần suất: Khoảng 20-30 lần/ ngày ( càng nhiều càng tốt cho bé)

 Cường độKhởi điểm ban đầu với vài centimet, sau đó nâng dần dần lên vài chục tới vài trăm mét.

 Trường độ: Khi mới đầu, bạn tập cho bé bài tập với khoảng cách ngắn thôi, sau đó nâng dần khoảng cách lên. Tối thiểu mỗi ngày bạn cho bé tiếp xúc với sàn 4 tiếng đồng hồ.

Quy trình: Đặt bé trên mặt bằng thuận lợi, bạn đứng về phía đối diện với bé, động viên, cỗ vũ bé tiến về phía mình hoặc khi thấy bé có sự chú ý tới đò vật hay bất cứ thứ gì trong nhà, bạn hãy khích lệ bé tiến tới phía đó để nắm lấy mục tiêu.

Môi trường: Để bé chơi trong một căn phòng thoáng với nhiều không gian trống. Ban đầu bạn đặt bé trong mặt bằng bằng phẳng, sau đó dần thay thế bằng những nơi gồ ghề hơn một chút. Đảm bảo không có vật cản gì gây trở ngại tới quá trình bò của bé và làm tổn thương tới bé.

Kỹ thuật: Trong những lần tập đầu tiên bạn để bé trườn trên một tấm thảm nhỏ, ít gồ ghề, với độ ma sát của thảm hơn hẳn mặt bằng trơn bóng cảu sàn nhà, bé sẽ tự dồn lực vào tay và đầu gối để trườn lên phía trước. Sau đó, bạn đặt bé sang một tấm thảm dày hơn, độ gồ ghề nhiều hơn…cứ như thế, hàng ngày bạn cùng bé tập luyện, bạn sẽ nhận thấy “thuần thục” hơn trong việc sử dụng tay và đầu gối của bé khi di chuyển. Tuy nhiên, sẽ có những lúc bé cảm thấy dược sự khó khăn và chán nản, không muốn tập tiếp nữa, lúc này bạn lập tức chuyển bé sang tấm thảm trước đó đã cho bé tập để lấy lại hứng thú cho bé, tránh gây cho bé cảm giác “ sợ” vì không vượt qua được bài tập, mà bạn phải luôn bên cạnh để bé cảm nhận được luôn có bạn “đồng hành”, động viên bé cho dù bé làm được hay không làm được. Chú ý, bạn chỉ nên chuyển bé sang tấm thảm dày sau một tuần hoặc lâu hơn 1 chút, tùy thuộc vào sự chuyển biến của bé trong quá trình tập luyện.

Đến giai đoạn cuối cùng của bài tập, bạn đặt bé trong tấm thảm cực dày và xơ. Lúc này, bé sẽ đẩy người cao hẳn lên và đu đưa sang trái, qua phải. Ddiều này sẽ khiến nhiều lúc bé ngã, nhưng không sao, tấm thảm dày đã bảo vệ và nâng đỡ bé, bé sẽ không bị đau.

Cứ như thế, từng ngày, tùng ngày một bạn sẽ thấy bé thực sự có thể tự di chuyển bằng “ bốn chân” một cách nhanh nhẹn và chắc chắn. Việc di chuyển với bé lúc này là một công việc thật đơn giản và dễ dàng. Nếu quá trình tập luyện hiệu quả thì ở khoảng tuần tuổi thứ 11, 12 bé có thể biết bò nhanh chóng rồi.

Tới lúc này bạn có thể cất rãnh trườn đi rồi nhé vì nó đã trở thành quá khứ với bé, bởi giờ đây, bò thực sự là việc di chuyển ưu trội hơn cả và bé thực sự “ đam mê” với điều đó.

Mục tiêu dài hạn cho hoạt động này là 120 mét trong 1 ngày. Tuy nhiên trong thực tế có một số bé có thể bò gấp 4 lần số đó nếu như được tập luyện sớm.

 Lưu ý: bạn nên ghi lại “ quãng đường” mà bé đã bò được trong ngày. Điều này không quá khó khăn, bạn đo chiều kích của căn phòng hoặc hành lang nơi bé tập luyện, sau đó cộng số lần bé bò được trong phòng và hành lang đó, bạn sẽ tính ra được con số cụ thể mà bé đạt được ở quá trình tập luyện trong một ngày.

Hãy để bé phát triển toàn diện nhất trong từng giai đoạn!



Share this article :

Đăng nhận xét