Giáo dục trẻ từ 6 tháng đến 1 tuổi như thế nào?

Thứ nhất: Sinh hoạt, nuôi dưỡng và giữ cho trẻ khỏe mạnh


    - Giấc ngủ: Sau 6 tháng trẻ có thể hình thành thói quen đi ngủ đúng giờ, buổi đêm ngủ 10 tiếng, ban ngày ngủ ít dần, thời gian thức nhiều hơn. Cả ngày ngủ khoảng 14 tiếng là vừa, khi thức dậy nên thay bỉm, xi tè hoặc cho ngồi bô.
Giáo dục trẻ từ 6 tháng đến 1 tuổi như thế nào?
Giáo dục trẻ từ 6 tháng đến 1 tuổi

    - Ăn uống: Sau 6 tháng nên giảm bớt số lần bú sữa mẹ, tăng dần các thực phẩm khác như sữa bò, trứng, thịt băm, các loại hoa quả, gan lợn, rau, đậu, cháo, mỳ…Ngoài ba bữa ăn chính, cần bổ sung thêm ba bữa phụ vào buổi sáng, buổi chiều và trước khi đi ngủ. Giảm bớt số lần bú sữa mẹ, dần tiến tới quá trình cai sữa khi trẻ được 10 tháng hoặc tròn 1 tuổi.

Khi được 7 tháng, tập cho trẻ tự ôm bình sữa, tự bỏ đầu ti ở bình sữa vào mồm bú. Khi được 8 tháng tập cho trẻ tự cầm bánh trên đĩa bỏ vào mồm ăn. Khi 9 tháng nên cho ngồi vào bàn ăn, chờ người lớn bón cho ăn. Sau 10 tháng, tập cầm cốc nước từ tay người lớn và tập ăn thức ăn loãng, dùng hay tay nâng cốc, cầm bát, hình thành thói quen uống nhiều nước. Khi tròn 1 tuổi, tập cầm thìa tự xúc cơm ăn, người lớn giúp trẻ xúc ăn hết thức ăn có trong bát. Trẻ chưa tròn 1 tuổi không để cho ngồi ăn cơm quá lâu, khi mặt mũi chân tay bẩn phải giúp trẻ lau rửa sạch.

    - Đại tiểu tiện và vệ sinh: Có thể ngoan ngoãn ngồi bô đại tiểu tiện, dần dần tạo thành thói quen khi muốn đi đại tiểu tiện thì có biểu hiện hoặc phát ra âm thanh ra hiệu người lớn giúp trẻ ngồi vào bô. Vào buổi đêm, tạo thói quen xi tiểu tiện 1-2 lần. Với sự khích lệ và âu yếm của người lớn, trẻ đồng ý cởi, mặc quần áo khi tắm rửa, từng bước tiến tới nghe lời người lớn nói phối hợp giơ tay, giơ chân, giơ mặt để lau rửa.

    - Miễn dịch: Khi 8 tháng tiêm phòng bại liệt. Sau 1 tuổi chuẩn bị tiêm phòng viêm màng não, thương hàn…
    
Thứ hai: Sự phát triển của động tác

7 tháng có thể tự mình ngồi vững, hai tay nắm đồ chơi, còn có thể chống tay đứng lên một lát nếu có người đỡ, bắt đầu học bò.

8 tháng, trẻ biết bò, tự mình ngồi dậy, nằm xuống. Có thể bắt chước các động tác của người lớn như giơ tay, vẫy tay, khua tay, biết dùng ngón trỏ và ngón cái để nhặt các đồ vật nhỏ (cha mẹ cần chú ý không để trẻ nhặt các đồ vật nguy hiểm, không được cho vào mồm).

9 tháng biết đứng lên nếu có người giữ, nắm tay người lớn bước về phía trước.

10 tháng có thể tự mình đứng lên, có điểm bám có thể đi đi lại lại.

11 tháng có thể tự mình bước đi vài bước, còn biết xoay người, người lớn chỉ cần dắt một tay trẻ cùng đi được, biết dùng tay đặt vật này lên vật khác.

12 tháng có thể đứng vững, tự mình bước đi trong khoảng cách ngắn.

Phương pháp tập luyện như sau:

- Căn cứ vào trình tự phát triển như trên, bắt đầu tập luyện cho trẻ trước nửa tháng hoặc một tháng, chú ý đừng làm cho trẻ tập luyện mệt.
- Khi trẻ học bò, để cách trẻ khoảng 20cm một đồ chơi mà trẻ thích, dùng tay thúc vào chân trẻ, khích lệ trẻ bò về phía đó. Sau khi biết bò, không chỉ cho trẻ bò trên giường, mà nên cho trẻ xuống sàn nhà bò. Chú ý lau phòng sạch sẽ, dọn dẹp những đồ nguy hiểm đối với trẻ, đặt nhiều đồ chơi để trẻ vừa bò vừa chơi. Như vậy sẽ rất tốt cho sự phát triển của thân thể và trí não trẻ. Trước khi tập đi, không nên bỏ qua giai đoạn học bò, sau khi biết đi trẻ vẫn thường xuyên bò cho đến khi 2 tuổi.
- Tập cho hai tay trẻ biết các động tác như: gõ, đánh, kéo, nắm, đặt, miết..., tiếp tục mát-xa cho hai bàn tay và ngón tay của trẻ.
- 9 tháng bắt đầu tập cho trẻ những lễ nghi ban đầu như chào, vỗ tay, tạm biệt.


Phát triển ngôn ngữ cho bé 


Thứ ba: Sự phát triển ngôn ngữ    

7 tháng có thể bắt chước tiếng người lớn phát ra, biết bập bẹ: “bà, bà, bà”, biết dùng mắt tìm người lớn hỏi đồ chơi.

8 tháng có thể hiểu nghĩa của nhiều từ, biết dùng các động tác biểu thị “tạm biệt” (vẫy tay), “không muốn” (lắc đầu).

9 tháng biết tìm đồ vật hoặc chữ cái theo hướng dẫn của người lớn, còn có thể dùng sự biểu cảm, tay, âm thanh để thể hiện điều mình muốn.

10 tháng có thể nghe hiểu một số câu nói của người lớn và làm theo. Ví dụ nói: “cám ơn”, trẻ liền giơ tay, nói “đá” liền giơ chân, nói “cho mẹ” liền đưa đồ chơi cho mẹ. Còn có thể nghe người lớn nói chỉ người quen, chỉ đồ vật và chỉ chữ.

11 tháng biết chủ động gọi “bà, mẹ”, có thể nói một số âm tiết lặp lại để biểu hiện yêu cầu của mình, như “cơm, cơm”, “trứng, trứng”. Biết phát ra tiếng các con vật kêu, còn có thể dùng âm thanh và hành động đề biểu thị sự hài lòng hoặc khó chịu.

12 tháng có thể chỉ ra các cơ quan trên cơ thể theo câu hỏi của người lớn, có thể chủ động nói ra khoảng 20 từ, khi hỏi trẻ mấy tuổi sẽ giơ một ngón tay biểu thị một tuổi.

Phương pháp tập luyện như sau:

- Thường xuyên đối diện với trẻ phát ra hàng loạt âm tiết để trẻ nghe, để trẻ nhìn rõ khẩu hình, khích lệ trẻ bắt chước, như “mẹ, mẹ, mẹ, mẹ”, “gà, gà, gà, gà”.
- Chỉ vào chữ, vào đồ vật, làm các động tác cho trẻ xem, dạy trẻ phát âm, ví dụ: chỉ vào con mèo, rồi chỉ vào chữ “mèo”, đọc “mèo”.
- Thường xuyên hỏi các đồ vật đã nhìn thấy, các chữ đã được dạy từ trước ở đâu, khích lệ trẻ dùng mắt hoặc ngón tay tìm.
- Khi chơi đùa, tập cho trẻ làm theo hiệu lệnh, như “cầm lấy”,  “đặt xuống”, “đặt vào”, “lấy ra”, “đưa mẹ”, “đưa con”, “vứt”, “không vứt”…Dần dần trẻ sẽ nghe hiểu và làm theo.
- Người lớn làm mẫu và giúp trẻ chỉ ra các bộ phận chủ yếu trên mặt, trên cơ thể.
- Dùng đồ chơi là các thú nhồi bông hoặc tranh, vừa biểu diễn vừa nói cho trẻ nghe: “cún con chạy”, “thỏ con chạy”, “bướm bay”, “mèo con ngủ”, “tàu hỏa chạy xình  xịch”, “còi ô tô kêu bim bim”…
- Khi trẻ làm đúng, cần khích lệ động viên trẻ, nhẹ nhàng nói với trẻ: “đúng rồi, con ngoan”. Khi không đồng ý cho trẻ làm gì, cần dùng thái độ nghiêm túc nói với trẻ: “cất đồ chơi vào”, “không được vứt lung tung”, “ngồi ăn ngoan”, để trẻ phân biệt được ngữ điệu, hiểu được ý nghĩa của câu nói, tập cho trẻ làm theo yêu cầu của người lớn.
- Tập cho trẻ ngồi ngoan nghe đọc truyện, thường xuyên cho trẻ nhìn thấy người lớn cầm sách đọc, người lớn cầm bút viết chữ. Tập cho trẻ nghe người lớn đọc truyện đến khi trẻ có thể tự đọc vào lúc 3 tuổi mới dần giảm bớt hoạt động này.

Thứ tư: Sự phát triển của khả năng nhận biết và giao tiếp

7 tháng biết lắc lư theo nhạc, nghe tiếng ồn ào thể hiện sự khó chịu. Tay có thể chạm vào chính xác vùng da bị ngứa hay đau. Trẻ thích đùa với các bạn cùng lứa, nếu được chọc đùa, trẻ sẽ cười và ôm lấy người thân. Bắt đầu biết nhìn biểu hiện của người lớn để kiểm soát hành động của mình. Khi muốn ngồi dậy có thể cố gắng ngồi dậy.

8 tháng có thể chú ý nhìn một người hoặc sự việc mà trẻ yêu thích trong một thời gian tương đối dài. Thể hiện sự thích thú khi nghe thấy tiếng nhạc, nghe thấy ai gọi tên mình hoặc khi nhìn đồ chơi chuyển động. Khi sợ người khác lấy mất đồ chơi, trẻ biết dùng hai tay ôm lấy đồ chơi.

9 tháng có thể chỉ được đồ vật và chữ cái quen thuộc, có thể lựa chọn đồ chơi trẻ thích. Nghe ai gọi tên biết quay đầu lại, thích chơi đùa với người lớn.

10 tháng có thể tập trung chú ý môt sự việc trẻ yêu thích trong khoảng một phút. Nếu có người cắt ngang sự tập trung của trẻ, sẽ đẩy nhẹ người đó ra. Nếu người quen đi trẻ sẽ khóc, nhưng nếu được động viên dỗ dành, trẻ sẽ nín. Biết gần gũi, chơi đùa với các bạn nhỏ.

11 tháng có thể bắt chước các tiếng đã nghe được, các động tác đã nhìn thấy. Có thể nghe chỉ dẫn chỉ đúng các chữ hoặc tranh thường xuyên xem, khả năng tập trung có thể kéo dài trong khoảng hai phút. Người lớn nói: “thối”, trẻ biết lấy tay bịt mũi, người lớn giấu đồ chơi đi, trẻ sẽ tìm khắp nơi. Thích lại gần người thân, giơ tay đòi người thân bế.  

12 tháng dùng tay chỉ các bộ phận trên mặt, tay chân, biết chỉ rất nhiều đồ vật và chữ, khả năng tập trung kéo dài khoảng ba phút, biết quan sát nét mặt, biểu hiện của người lớn để khống chế hành động của mình, có thể ghi nhớ cách chơi của một số đồ chơi. Khi ngã biết tự mình đứng dậy mà không khóc, nhìn thấy bạn cùng tuổi khóc biết giơ tay nói: “không khóc” hoặc đưa cho bạn đồ chơi. Biết thể hiện sự vui mừng khi được khen và buồn khi bị phê bình.


-    Thường xuyên cho trẻ thưởng thức các bài hát, bản nhạc nổi tiếng.    
-    Dùng sự biểu cảm giảng cho trẻ các chơi của đồ chơi và làm mẫu cho trẻ nhìn, hàng ngày hướng dẫn trẻ quan sát các sự vật xung quanh, nói cho trẻ nghe tên các đồ vật, cho trẻ chạm vào vật, nếm các đồ trẻ có thể ăn được. 
-    Thường xuyên chỉ cho trẻ xem chữ cái, đọc chữ cho trẻ nghe, dùng phấn hoặc bút viết lên bảng cho trẻ xem. Thường xuyên cho trẻ xem ảnh, lịch, các tác phẩm mỹ thuật, thư pháp…
-    Thường xuyên bế trẻ ra nhìn xe, người qua lại, hoa, cây, chim muông…bồi dưỡng nên sự hiếu kỳ, nhưng không nên quá phấn khích, sẽ ảnh hưởng tới giấc ngủ của trẻ.
-    Chơi đùa, ôm ấp trẻ, làm cho trẻ vui vẻ. Nhưng cũng nên để thời gian cho trẻ tự ngồi hoặc nằm chơi một mình. Không nên lúc nào cũng bế trẻ, theo sát trẻ. Buổi tối nên cho trẻ ngủ riêng.
-    Khi tinh thần trẻ thoải mái, đưa trẻ đến chơi với các bạn cùng tuổi.
-    Sau 6 tháng, người lớn nên thể hiện thái độ đúng mực trước mặt trẻ, vui vẻ khi cười đùa nhưng nghiêm túc khi yêu cầu trẻ làm việc gì đó hoặc khi trẻ không nghe lời. Khi trẻ ngoan hoặc làm đúng, cần khen ngợi trẻ; khi trẻ làm sai, cần dùng tay và ngôn ngữ ngăn trẻ lại, nhưng không trách mắng to tiếng làm cho trẻ khóc. Khi trẻ khóc, vỗ về trẻ bằng giọng nói nhẹ nhàng, nhưng dứt khoát không làm theo các yêu cầu không đúng của trẻ, cũng không nên lúc nào cũng bế trẻ khi trẻ khóc.
-    Khi gặp mặt hoặc khi ra về, chủ động giơ tay vẫy chào trẻ.
-    Khi trẻ ngã, người lớn không nên thể hiện sự lo lắng thái quá, bình tĩnh động viên trẻ tự đứng dậy.

Đến lúc này, trẻ đã có mặt trên thế gian này được một năm, trẻ tròn một tuổi sẽ  thế nào? Về phương diện ăn uống, trẻ đã cơ bản rời khỏi sữa mẹ và thức ăn loãng, tạo cho mình một nền tảng tốt cho sự sinh tồn và khỏe mạnh sau này. Về hành động: trẻ bắt đầu biết đứng thẳng và bước đi. Về phương diện giao tiếp: trẻ bắt đầu biết sử dụng ngôn ngữ_tinh hoa tri thức của nhân loại, trẻ đã thoát ra khỏi “thời kỳ câm”, không còn chỉ dùng hai trạng thái khóc và cười để biểu hiện thế giới nội tâm. Chỉ cần tiếp tục được hưởng sự giáo dục tốt, trẻ sẽ có một tương lai phát triển rộng mở phía trước.

Cha mẹ hãy ghi lại các bước phát triển của con mình trong giai đoạn trước 1 tuổi:
Ngày        tháng        biết đứng
Ngày        tháng        biết đi
Ngày        tháng        mọc chiếc răng đầu tiên
Ngày        tháng        biết chỉ ra người thân (người đầu tiên bé nhận ra là )
Ngày        tháng        biết chỉ ra đồ vật (đồ vật đầu tiên bé chỉ ra là     )
Ngày        tháng        biết nhận ra chữ (chữ đầu tiên bé nhận ra là    )
Ngày        tháng        biết gọi
Ngày        tháng        biết nói từ đầu tiên

Chụp ảnh trẻ khi tròn một tuổi, ghi lại các câu chuyện thú vị của trẻ trong thời gian qua. (Thông thường, cân nặng tiêu chuẩn của trẻ 6 tháng tuổi là: bé nam 9,47kg, bé nữ 9,14kg, chiều cao tiêu chuẩn là: bé nam 76,9cm, bé nữ 75,36 cm).

Theo Internet
Share this article :

Đăng nhận xét